Trên cơ sở đánh giá nhiệm kỳ qua, Đại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ và mục tiêu 2 năm 1980-1981 của Đảng bộ Tây Ninh là: Ra sức phát huy ưu điểm và tận dụng những thế mạnh sẵn có của địa phương, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, nhất là những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ và ngoài xã hội, phát động phong trào làm chủ tập thể của quần chúng lao động với ý thức tự lực tự cường, quán triệt đường lối cải tạo và xây dựng trên các lĩnh vực hoạt động, tạo sự chuyển biến thật sự về tư tưởng và tổ chức, đẩy mạnh sản xuất. Trong đó, trọng tâm là sản xuất nông nghiệp, trước mắt là lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và xuất khẩu đảm bảo cải thiện một bước đời sống của Nhân dân, làm tròn nghĩa vụ với Trung ương. Đồng thời, phải thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, ra sức xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang và quốc phòng toàn dân sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu khi có chiến tranh xảy ra, chủ động đập tan mọi âm mưu của bọn phản động, giữ vững an ninh - trật tự xã hội, làm tròn nghĩa vụ quốc tế với tỉnh Kompongchàm; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể quần chúng nhằm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cấp bách như sau:
- Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
- Ổn định và từng bước cải thiện đời sống của Nhân dân.
- Kiên quyết đấu tranh chống các mặt tiêu cực trong nội bộ và xã hội.
- Đẩy mạnh xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, bán vũ trang, giữ gìn trật tự an ninh xã hội.
- Ra sức xây dựng củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, trọng tâm là cấp huyện, xã và các cơ sở kinh tế.
Thực hiện nghị quyết Đại hội đề ra, trong hai năm 1980 - 1981, Tây Ninh dành khoảng 25-30% tổng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Nổi bật nhất trong thời gian này là xây dựng công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, một công trình thuỷ nông lớn nhất nước ta. Công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng được nghiên cứu chuẩn bị từ năm 1976. Ngày 18/5/l979 luận chứng kỹ thuật được Chính phủ phê duyệt. Khu đầu mối công trình được xây dựng trên vùng đất của huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) và một phần của huyện Bến Cát (Bình Dương), với mặt nước rộng 27.000 ha, chứa 1,5 tỉ m3 nước. Ngày 29/4/1981, công trình được khởi công. Ngày 10/01/1985, chính thức đưa nước về đồng ruộng phục vụ tưới tiêu cho 58.000 ha đất trong toàn tỉnh.
Với khẩu hiệu “Ta đi xây dựng công trường, công trường xây dựng ta”, đoàn viên thanh niên đóng vai trò nòng cốt trong tổ chức thi công công trình, đã huy động hơn 454.261 lượt đoàn viên thanh niên tham gia, thực hiện 14.910.000 ngày công, đào đắp 11.681.000m3 đất, 53.977m2 pê-tông và đá xây, hàng trăm đoàn viên thanh niên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, 1.450 kiện tướng lao động, 439 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng, 10.467 thanh niên được kết nạp vào Đoàn, 51.099 thanh niên trở thành hội viên Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam. Xuất hiện nhiều đơn vị điển hình có năng suất cao, chất lượng tốt như: Xã Hiệp Tân (Hòa Thành), Hảo Đước (Châu Thành), Cẩm Giang (Gò Dầu). Lộc Ninh (Dương Minh Châu), Tân Hưng (Tân Biên), Bình Minh (Thị Xã). Huyện Châu Thành, Hòa Thành nhiều năm liền giữ lá cờ đầu trên công trường, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III.
Ý kiến bạn đọc